Trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 17/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch.
"Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo "mục tiêu kép". Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng", Phó Thủ tướng nói.
Do đó, BCĐ yêu cầu toàn dân phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người.
" Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan".
Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, rất dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người…
Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.
Theo Phó Thủ tướng phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục thực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch.
"Tinh thần cơ bản trong thời gian tới là chúng ta cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề để đảm bảo vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội", Phó Thủ tướng cho hay.
Việt Nam đã hình thành được mô hình dịch thuật dự báo nguy cơ theo địa bàn từng tỉnh, thành phố để phân ra làm 3 nhóm: Nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.
Mức độ nguy cơ được xác định thông qua các nhóm chỉ số có tính khách quan như giao thông, mật độ dân cư, giao lưu quốc tế… và nhóm chỉ số có tính chủ quan như năng lực tổ chức thực hiện các chỉ thị của Đảng chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế; năng lực sẵn sàng phát hiện, truy vết khi có người bị nhiễm, nghi nhiễm; năng lực của y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe, thăm khám tại nhà nhất là với nhóm người cao tuổi người có bệnh nền.
"Tôi nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục chia được nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để chúng ta có thể điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hàng ngày", Phó Thủ tướng nói.
Ông tin tưởng, Việt Nam phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực, nhanh hơn theo hướng đúng đắn.
"Tôi mong rằng các bộ ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. Mặc dù còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công", Phó Thủ tướng tin tưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét